Dây dẫn loa và các kiểu đấu dây loa
Dây dẫn loa và các kiểu đấu dây loa
1. Dây dẫn loa
♦ Interconnect (dây tín hiệu): Dây tín hiệu có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đến vài volt) giữa các thiết bị nguồn (đầu đĩa than, đầu CD, tuner, đầu băng) với DAC, preampli, và giữa preampli tới ampli công suất. Dây tín hiệu cũng có một vài loại như sau:
- Unbalanced interconnect (dây tín hiệu không cân bằng): Thường có hai lõi và có đầu cắm kiểu RCA (bông sen). Nó còn được gọi là dây tín hiệu
single – end. - Balanced interconnect (dây tín hiệu cân bằng): Có ba lõi dây, và sử dụng đầu nối kiểu XLR. Nó thường dùng cho các thiết bị có đầu vào ra cân bằng.
♦ Digital interconnect (dây tín hiệu digital): Là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc thuỷ tinh hữu cơ (optical).
♦ Speaker cable (dây loa): Dây loa có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức cao (vài đến hàng trăm volt) từ ampli đến hệ thống loa.
♦ Single-end (dây đơn loa): Mỗi đầu chỉ có hai cọc đấu, đây là kiểu phổ biến nhất hiện nay.
♦ Dây loa bi-wire, tri-wire: Mỗi đầu có 2 hoặc 3 cọc đấu, dùng cho các loa có thể đấu 2 hoặc 3 đường tiếng độc lập.
Xem thêm: 5 mẫu loa di động JBL mới ra mắt 2020
2. Các kiểu đấu dây loa
♦ Single-wire: Kiểu đấu thông thường
4 cọc đấu dây phía sau loa thường phân ra 2 cọc phía trên dành cho loa tweeter, hai cọc phía dưới dành cho loa bass. Khi bạn sử dụng một dây loa để nối loa với ampli theo kiểu bình thường, bạn cần dùng một sợi dây đồng tốt (hoặc cầu nối jumper bán kèm theo loa) để nối liền 2 cọc âm (-) với nhau và hai cọc dương (+) với nhau để tín hiệu có thể truyền từ ampli tới được cả loa tweeter và bass. Trong cách đấu này, một ampli và một bộ dây loa cùng cấp tín hiệu cho cả loa tweeter và loa bass trong một thùng loa.
♦ Bi-wire: Kiểu đấu hai dây
Trong kiểu đấu biwire (hai dây), người ta vẫn dùng một ampli nhưng lại dùng 2 bộ dây loa. Một bộ nối với 2 cọc loa tweeter, một bộ nối với 2 cọc loa bass. Về lý thuyết, kiểu đấu biwire có thể cho âm thanh hay hơn kiểu đấu thường. Tuy nhiên, trên thực tế, sự khác biệt này rất khó nhận ra.
♦ Bi-amp: Kiểu đấu hai ampli
Trong kiểu đấu này cần sử dụng 2 ampli và 2 bộ dây loa. Tín hiệu từ CD ra qua preampli rồi đưa vào 2 ampli công suất riêng biệt. Một cái chuyên “đánh” loa tweeter cho 2 kênh, cái còn lại chuyên “đánh” loa bass của hai kênh. Âm thanh của bi-amp có sự cải thiện đáng kể so với bi-wire: trong trẻo hơn, mạnh mẽ hơn, tách bạch hơn.
Các loại jack đấu dây loa
♦ Banana Plug (Giắc bắp chuối): Là đầu nối có hình bắp chuối với chiều rộng khoảng 0,32cm, chiều dài khoảng 2,54cm được cắm thẳng vào lõi của cọc đấu nối phía sau loa hoặc ampli.
♦ Binding Post (Cọc/trạm đấu loa): Cọc phía sau loa và ampli dùng để đấu nối với dây loa. Cọc này có nhiều hình dạng khác nhau, từ loại kẹp dây lỗ nhỏ, kẹp xoáy ốc đến kẹp bắt giắc càng cua hay lỗ nhận các đầu bắp chuối
♦ Coaxial cable (Cáp chuyển): Là loại cáp trở kháng 75 ohm, được sử dụng phổ biến để kết nối tivi với một số hệ thống ăng-ten của đài FM hoặc đài truyền hình. Thiết bị này cũng được sử dụng để kết nối bộ cơ của đầu đọc CD hoặc đầu đọc DVD đến bộ chuyển đổi DA.
♦ RCA Connector (Kết nối RCA): Là đầu cắm hoặc đầu jack tiêu chuẩn được sử dụng để kết nối các thiết bị audio hoặc video. Loại đầu cắm này được phòng thí nghiệm RCA phát minh. Đầu RCA cũng được gọi với tên đường phono hoặc jack, ngay cả khi chúng sử dụng trong các thiết bị không dùng đến mạch phono.